Các câu hỏi thường gặp khi tập Dịch Cân Kinh

Các câu hỏi thường gặp khi tập Dịch Cân Kinh

Vì bài viết về Dịch Cân Kinh khá dài, nên mình tách ra một bài chuyên về những câu hỏi thắc mắc lúc tập. Về cách tập bạn xem thêm ở bài”Cách tập Dịch Cân Kinh

Các bạn cùng theo dõi nhé!

Nên tập vào thời điểm nào?

Bạn tập lúc bụng rỗng, trước khi ăn hoặc sau khi ăn 2 tiếng. Sau khi tập nên để cơ thể ráo mồ hôi, khoảng nửa tiếng sau mới nên tắm.

Nên tập bao nhiêu cái là đủ?

Không có một quy định bắt buộc bạn phải tập bao nhiêu cái. Về lý thuyết trong tài liệu khuyên bạn nên cố gắng tập đến 1.800 cái, tương đương với thời lượng là nửa tiếng. Đây là số lượng tập để duy trì một sức khoẻ tốt và phòng ngừa bệnh. Có những trường hợp bệnh nặng, người tập có thể vẫy lên tới hơn 2000 cái.

Để vẫy được 1.800 cái không hề đơn giản, bạn cần có lộ trình cụ thể. Nguyên tắc ban đầu khi mới tập là tập ít trước và tăng lên dần dần. Một số tài liệu có đề xuất như sau:

Vào tuần đầu tiên, mỗi ngày tập 180 cái, tương đương ba phút

Qua tuần sau, mỗi ngày tăng thêm một phút, và cho đến hết một tháng chúng ta sẽ vẫy được đến 1800 cái.

Tuần đầu tiên Ngày 8 Ngày 9 Ngày 10 Ngày 11
180 cái (3 phút) 480 cái (8 phút) 540 cái (9 phút) 600 cái (10 phút) 660 cái (11 phút)
Ngày 12 Ngày 13 Ngày 14 Ngày 15 Ngày 16
720 cái (12 phút) 780 cái (13 phút) 840 cái (14 phút) 900 cái (15 phút) 960 cái (16 phút)
Ngày 17 Ngày 18 Ngày 19 Ngày 20 Ngày 21
1020 cái (17 phút) 1080 cái (18 phút) 1140 cái (19 phút) 1200 cái (20 phút) 1260 cái (21 phút)
Ngày 22 Ngày 23 Ngày 24 Ngày 25 Ngày 26
1320 cái (22 phút) 1380 cái (23 phút) 1440 cái (24 phút) 1500 cái (25 phút) 1560 cái (26 phút)
Ngày 27 Ngày 28 Ngày 29 Ngày 30
1620 cái (27 phút) 1680 cái (28 phút) 1740 cái (29 phút) 1800 cái (30 phút)

Tuy nhiên, các bạn yên tâm là không bắt buộc phải vẫy đến 1.800 cái thì cơ thể mới khoẻ mạnh. Điều quan trọng ở đây là: thường xuyên luyện tập mỗi ngày và đúng phương pháp.

Số lần vẫy tay mình đề xuất ở đây là: 300, hoặc 600 hoặc 900. Tối thiểu là 300, ít quá cũng không tốt bạn nhé. Phương pháp tập cũng tương tự bên trên, nghĩa là tuần đầu tiên mình tập mỗi ngày một ít và tăng lên cho đến khi đạt được số lần vẫy tay mục tiêu.

Note số lần tập cho mỗi ngày vào lịch để không bị quên. Và hãy ăn mừng sau khi  tập được số lần đã đề ra mỗi ngày. Trong một lần vẫy bạn nên vẫy cho hết số lần đã đề ra, không nên ngắt ra những lần nhỏ hơn.

 Mỗi ngày nên tập mấy lần?

Thông thường nên tập hai lần một ngày, bạn nào siêng thì mình tập ba lần, còn nếu quá bận thì tập một lần, không sao cả, miễn mình cố gắng duy trì luyện tập mỗi ngày.

Khi đi làm buổi sáng trước khi ăn, mình tập. Buổi chiều, sau khi đi làm về, mình tập một lần nữa rồi đi tắm, có những hôm đi chơi với gấu không tập được buổi chiều, thì buổi tối khi về mình tập nhẹ rồi đi ngủ.

Tôi thấy có tài liệu ghi khi vẫy bàn tay cong lên và cụp xuống, vậy để tay như thế nào mới đúng?

vay-tay-dich-can-kinh
Trong tài liệu có ghi là:

  • Khi hất tay ra đằng trước, vẫy bật cổ tay cho hai bàn tay cong lên trên.
  • Khi đẩy tay ra sau, vẫy cụp bàn tay lên, lòng bàn tay hướng lên trên

Trong một số tài liệu khác thì:

  • Bàn tay lúc vẫy để bình thường

Theo mình thấy hai cách này đều được, mẹ mình làm theo cách 1, mình làm theo cách 2, kết quả đều tốt. Tuy nhiên bạn nên nhớ khi vẫy các ngón tay không nên xoè ra. Như vậy tay sẽ không bị tê khi tập.

Lúc tập, mình nên thở theo nhịp hay không theo nhịp?

Có hai cách thở hiện nay:

  • Thở bình thường không theo nhịp vẫy tay
  • Thở theo nhịp vẫy

Cách thứ nhất thông dụng và dễ hơn, cả hai cách này đều được đề cập trong tài liệu và đem lại hiệu quả như nhau.

Không đếm khi vẫy tay có được không? Vì càng lên cao, càng dễ bị lẫn lộn.

Câu trả lời là không nên. Những ngày tập đầu tiên chỉ có vài trăm cái nên rất dễ đếm, tuy nhiên khi số lượng vẫy càng tăng, người tập hay đếm sai. Thực tế này thường xảy ra, ngay cả với mình và mẹ mình.

Về sau, mình làm biếng đếm nên đặt đồng hồ số phút tương đương với số vẫy tay. Tuy nhiên vì không phải đếm nữa nên cái đầu mình không tập trung, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, có khi lại thấy tập hoài sao chuông chưa reo….

Việc không tập trung khi vẫy sẽ gây ra nhiều tác hại. Lúc đó bạn sẽ không kiểm tra được bản thân có đang tập đúng hay không?

  • Có đang nhíu hậu môn không?
  • Chân có đang gồng hay không?
  • Tay đã hất thẳng hết ra sau chưa?
  • …..

Mẹ mình có một cách khá hay giúp cho việc đếm không cần lẫn lộn nữa.

Từ 1 – 100 : bạn đếm bình thường

101 : một không một

….110 : một mười

111 : một mười một

….201 : hai không một

Nghĩa là bạn đếm thêm số hàng trăm vào đầu thì sẽ không bị lẫn lộn nữa, dạng giống đọc số điện tử á.

Làm sao để tập trung khi tập Dịch Cân Kinh?

Việc giữ được tập trung khi tập Dịch Cân Kinh giúp bạn luôn kiểm tra được mình có đang vẫy đúng hay không, đã đếm được tới đâu, buổi tập hôm đó trở nên hiệu quả và có ích
Một mẹo giúp bạn làm được việc đó là nếu không mệt hãy cố gắng đếm nhanh. Việc này bắt cơ thể phải tập trung làm để theo kịp nhịp đếm. Giống như hồi còn đi học, khi giáo viên giảng nhanh, bắt buộc bạn phải tỉnh táo và lắng tai nghe để không bỏ sót, ngược lại nếu giáo viên giảng chậm và đều đều, bạn sẽ có xu hướng mắt nhíu lại và chìm vào giấc ngủ.
Do đó hễ bạn thấy mình sắp mất tập trung, ý nghĩ chuẩn bị đi về nơi xa lắm, hãy tăng tốc độ đếm để tinh thần phấn chấn lại.
dem-dich-can-kinh

Sau khi tập Dịch Cân Kinh thì nên chú ý những gì?

Sau khi tập cơ thể của bạn sẽ nóng lên và đổ mồ hôi, chủ yếu ở phần lưng, vai.

  • Bạn nên xoa bóp các ngón tay và ngón chân.
  • Tránh đi ra ngoài gió, ra chỗ có quạt hoặc máy lạnh, vì lúc này lỗ chân lông đang mở, dễ hấp thụ khí độc.
  • Dùng khăn khô lau qua các chỗ có mồ hôi, hít thở nhẹ nhàng và sau đó sinh hoạt như bình thường.

Tôi đã nghe nhiều người giới thiệu về tác dụng của Dịch Cân Kinh, nhưng vẫn còn e ngại vì sợ tập sai. Vậy tôi phải làm sao?

Một trở ngại tâm lý rất lớn khiến nhiều người dù biết các lợi ích mà Dịch Cân Kinh mang lại nhưng không tập đó là sợ tập sai.

Dịch cân kinh nếu tập chưa đúng, sẽ không gây tác hại gì đến sức khoẻ, chỉ là nó không đạt được hiệu quả vốn có của nó mà thôi.

Vào tuần đầu tiên tập 180 cái dù mình mới đọc sơ qua cách tập, chưa nắm hết kiến thức, nhưng mình vẫn tập, nói thiệt có nghĩa là mình tập đại. Trong quá trình tập khi mình cảm thấy chưa ổn chỗ nào, mình ghi nhận lại sau đó giở tài liệu ra kiểm tra lại. Nhờ vậy mình có cái đà mà tập tiếp, chứ nếu cứ vì tâm lý ngại sai thì sẽ không bắt đầu được dù chỉ một ngày.

Cái sai thường gặp của người mới tập là ở chỗ vẫy tay.  Cốt lõi là phải vẫy sao cho phần đằng sau lưng giật lên giật xuống thì khí huyết mới lưu thông, vận động cột sống, nhưng khi mình vẫy thì mình không thấy được điều đó nghĩa là mình làm không đúng thì mình phải sửa lại.

Nếu bạn chỉ dùng lực ở tay mà không dùng lực ở vai, thứ nhất phần lưng sẽ không giật lên giật xuống như ở trên đề cập, thứ hai là bạn rất dễ mỏi tay.

Bên cạnh việc dùng lực ở vai, bạn còn phải dùng lực quán tính, nghĩa là lúc mình đẩy ra sau, phải đẩy thẳng tay ra sau hết cỡ, sau đó thuận đà, tay sẽ được đẩy ra phía trước mà không cần dùng sức.

Trong một tuần tập đầu tiên, bạn chịu khó vừa tập, bạn vừa cảm nhận cơ thể, và thường xuyên mở tài liệu ra nghiền ngẫm, tự rút ra xem mình đi đúng hướng không.

Việc rủ rê người thân, bạn bè cùng tập là cách rất hiệu quả, tránh được tình trạng nản chí, dễ bỏ cuộc, cũng như giúp nhau kiểm tra. Dịch cân kinh rất tốt cho những người lớn tuổi, nhưng họ lại hay ngại, vì thế con cái nên cùng tập và cổ vũ, giúp chỉnh sửa để tập đúng.

Trong lúc đang tập thì tôi bị xì hơi như vậy có sao không?

Trong khi tập, đôi khi mình sẽ bị xì hơi, nước miếng trong miệng ứa ra nhiều, xuống đờm, hoặc bị ngứa đều bình thường cả, không sao hết.

Tôi gặp khó khăn trong việc nhíu hậu môn, tôi phải làm sao?

Với những người mới tập, khi yêu cầu nhíu hậu môn thường hoang mang vì không biết phải làm thế nào. Thực sự động tác nhíu hậu môn rất khó diễn tả.

Bạn có thể thực hành nhíu hậu môn cho quen trước khi bắt đầu tập Dịch Cân Kinh. Bạn có thể thử ở bất kỳ đâu, thử lúc ngồi sẽ dễ hơn lúc đứng (ngồi trên ghế, ngồi chồm hổm)

Đầu tiên, bạn ngồi thoải mái trên ghế, lưng hơi ngả ra phía sau dựa lên thành ghế. Hai chân đặt lên đất. Sau đó bạn thử nhíu hậu môn lại xem, cùng lúc đó bạn để ý sẽ thấy phần bụng dưới cũng sẽ hóp lại một ít.

Trong quá trình tập Dịch Cân Kinh, việc duy trì nhíu hậu môn có thể xem là khá khó với nhiều người. Ngay cả mình đôi khi cũng gặp rắc rối với nó. Để có thể duy trì nhíu hậu môn trong một thời gian, bạn phải gồng chân cho chắc. Vì thế trong lúc tập bạn cần sự tập trung, và kiểm tra nếu đang tập mà quên nhíu thì nhớ nhíu nhé.

Khi tập có cần phải mang dép không? Có những yêu cầu nào đối với nơi tập Dịch Cân Kinh không?

Dịch Cân Kinh rất linh động, có thể tập ở trong nhà hay ngoài trời. Nhưng bạn nên nhớ nguyên tắc khi mình tập, lỗ chân lông của mình mở to, vì thế mình nên tránh những nơi có gió, có khí lạnh, để tránh khí độc xâm nhập vào người, không tốt cho sức khoẻ.

Dựa vào nguyên tắc trên, khi tập trong nhà, bạn nên mang một đôi dép mỏng, để tránh bàn chân tiếp xúc với nền gạch lạnh. Không đứng ngay hướng cửa sổ có gió lùa vào sẽ không tốt cho sức khoẻ.

Một số tài liệu có phân tích quy luật Âm Dương trong thế đứng của Dịch Cân Kinh, bạn có thể tìm xem thêm.

Nên tập ở những nơi yên tĩnh, để tránh đầu óc bị phân tâm. Tuyệt đối không vừa tập vừa xem TV giống như mình, ỷ y có cái đồng hồ kế bên, vẫy tay mà mắt cứ dính vào màn hình xem diễn biến phim, nhíu mông, gồng chân, giật lưng lúc có lúc không. Tập như vậy, bạn chỉ đang có số lượng mà không có chất lượng, vừa tốn thời gian, nhưng lại không có hiệu quả.

Tôi thấy có một số tài liệu đề cập hướng đứng lúc tập, vậy tôi có cần đứng theo hướng không?

Dịch cân kinh trong một số tài liệu có liên quan đến phong thuỷ, mình không muốn đi quá sâu về phần phong thuỷ. Tuy nhiên nếu có điều kiện, tuỳ vào từng buổi tập, bạn nên đứng như sau :

  • Buổi sáng : mặt quay về hướng đông, đó là hướng mặt trời mọc
  • Buổi trưa : mặt quay về hướng bắc
  • Buổi chiều : mặt quay về hướng tây
  • Buổi tối : mặt quay về hướng nam.

Hiện nay trên các thiết bị di động bạn có thể dễ dàng tải các ứng dụng la bàn.

Tôi cảm thấy e ngại khi nghe nói cơ thể sẽ xuất hiện một số phản ứng khi tập Dịch Cân Kinh. 

Một số biểu hiện thải độc của cơ thể có thể xảy ra khi tập Dịch Cân Kinh, đây là dấu hiệu bình thường chứng tỏ bạn đang tập đúng hướng. Mẹ mình bị đau bụng, còn mình bị ngứa, nhưng nó chỉ diễn ra khoảng 1-2 ngày, nếu mình hiểu rõ lý do tại sao thì mình sẽ không còn lo lắng nữa.

Những lúc như vậy, mình có thể duy trì số lần vẫy tay như cũ, đến khi các dấu hiệu đó hết đi thì sẽ nâng số lần lên như lộ trình đã đề ra. Bên cạnh những biểu hiện thải độc nêu trên, cơ thể cũng có những tiến triển hơn về sức khoẻ.

Trong những tuần đầu, bạn sẽ thấy ngủ ngon và sâu hơn. Sức bền của bạn cũng sẽ tốt hơn, bản thân mình sức khoẻ khá kém, mỗi lần leo lên lầu 1 công ty là thở hồng hộc, leo lên lầu hai sân thượng ở nhà, chưa đến nơi đã phải dừng lại để nghỉ mệt. Sau khi tập mình leo cầu thang dễ dàng, không mệt nữa, có những hôm trời mưa, phóng lên lấy quần áo vào vẫn bình thường.

Vào thời kỳ đèn đỏ có tập được hay không?

Một số tài liệu mình đọc chưa đề cập rõ phần này.

Bản thân mình vào kỳ đó vẫn tập bình thường. Tuy nhiên cơ địa mỗi người là khác nhau, phản ứng sau khi áp dụng Dịch Cân Kinh cũng khác nhau, vài bạn đã gửi mail và chia sẻ với mình là cảm thấy cơ thể mệt mỏi hơn nếu duy trì tập. Vì thế tốt nhất bạn nên hạn chế hoặc ngừng tập trong thời kỳ đèn đỏ.

 

Bài viết nổi bật Dinh dưỡng và sức khỏe