Cách làm dầu dừa hiện nay không còn gói gọn theo phương pháp truyền thống, mà đã được cải tiến uyển chuyển để tối ưu về mặt thời gian và công sức người làm.
Trong bài viết này mình sẽ trình bày cho bạn cách làm dầu dừa theo hai phương pháp nhiệt (nấu bằng nồi trên bếp, nấu bằng nồi cơm điện) và không dùng nhiệt. Không dám nói những chia sẻ này là đầy đủ, nhưng mong là giúp bạn một phần nào đó trong quá trình làm dầu dừa.
Bắt đầu nào!
Lấy nước cốt dừa
Giai đoạn đầu tiên mà bất kỳ cách nào cũng phải có đó là lấy nước cốt dừa
Nguyên liệu: nửa ký dừa nạo
B1: Đổ nửa lít nước nóng vào. Công thức ở đây là nên đổ lượng nước <= khối lượng dừa nạo.
Nguyên tắc là càng nhiều dừa thì càng thu được nhiều dầu, mặc dù nước được xem là chất dẫn giúp lấy dầu từ dừa nạo, nhưng bước cuối cùng của tất cả mọi phương pháp đều phải tách nước ra khỏi dầu.
Vì thế không phải cứ trộn dừa nạo và vắt qua nhiều lần nước thì càng tốt, mà ngay lần đầu tiên vắt, cố gắng nhào trộn thật kỹ và ép thật mạnh để vắt, giúp bạn tối ưu được thời gian xử lý về sau.
B2: Để yên khoảng 10 phút.
B3: Dùng tay nhào nặn kỹ khoảng 15 phút rồi vắt lấy nước cốt dừa. Bóp từng nắm nhỏ, bên dưới đặt một cái rây/lược hoặc một miếng vải sạch (vải trắng càng tốt) để lọc.
Như vậy ta đã có nước cốt dừa.
Tiếp theo bỏ vào tủ lạnh trong nhiều giờ cho đến khi phần váng (cream) phía trên đặc lại, mình sẽ vớt ra để nấu.
Với những ai không có tủ lạnh, để nước cốt dừa yên 10 phút để cặn sẽ lắng dưới đáy, và chắt nước cốt dừa qua một tô khác. Lặp lại khoảng vài lần.
Cặn lắng bên dưới
Mục đích của bước này sẽ hạn chế cặn có trong dầu dừa khi nấu ra và giảm thiểu thời gian nấu từ vài giờ xuống còn chưa tới một tiếng.
Bởi vì vắt bằng tay sẽ không ra được nhiều nước cốt so với dùng máy, nên bạn có thể đổ thêm nước vào vắt lần 2. Lượng nước cho vào chỉ nên bằng 1/3 cho đến 1/2 lượng nước dùng lần 1.
Hiện tại có 2 phương pháp chủ yếu để làm dầu dừa:
- Dùng nhiệt
- Lạnh
A. Phương pháp dùng nhiệt
1. Nấu dầu dừa bằng nồi
Chọn nồi
- Không nên dùng nồi mau nóng, nhanh khét như nồi inox, hay nồi nóng lâu như nồi thủy tinh. Kinh nghiệm của mình với nồi thủy tinh là đã tắt bếp nhưng nồi vẫn tiếp tục sôi sùng sục bắn cả nước ra ngoài.
- Có thể nấu trong chảo, chảo không dính hay nồi nhôm.
Chọn bếp
- Bếp ga hay bếp điện đều được.
Về chủ quan, mình thích dùng bếp hồng ngoại vì nó có nhiều mức độ nhiệt so với bếp ga nhà mình thiết kế chỉ có vài nấc lửa, khi vặn lửa nhỏ, tim lửa chỉ tập trung lại một điểm ở giữa, nếu dùng nồi phẳng thì phải trộn đảo nhiều
Cách thực hiện: sẽ có 4 lần chỉnh lửa như sau
Lần 1: Cho nước cốt dừa vào nồi và bật lửa lớn.
Lần 2: Khi nước sôi, giảm bớt lửa, nhưng vẫn để lửa lớn, giúp nước nhanh bốc hơi. Lúc này phần hỗn hợp đã sền sệt hơn, quan sát thấy bắt đầu có sự tách lớp từ từ. Lâu lâu bạn dùng thìa đẩy nhẹ, để không bị khét dưới đáy nồi và váng dính vào thành nồi.
Lần 3: Đến khi trong nồi sắp cạn nước, phần váng hơi cô lại (thấy 2 phần riêng biệt: váng và nước + dầu), mình hạ bớt lửa. Lúc này mình đứng canh luôn nhé, không đi đâu khác.
Lần 4: Lúc nước rút hết phần váng vẫn còn màu trắng, dầu sôi, giảm lửa thật nhỏ, và cho tiếp tục sôi cho đến khi phần váng hoàn toàn chuyển sang màu vàng (không còn màu trắng nữa) thì tắt bếp.
Nắm vững lý thuyết, tùy vào tình trạng nồi, bếp, đặc loãng của nước cốt dừa, bạn gia giảm lửa cho hợp lý.
2. Nấu dầu dừa bằng nồi cơm điện
B1: Bật chế độ “Rice cooking” và mở nắp để nước bóc hơi lên.
B2: Một lúc sau khi nước trong nồi sôi lên, lâu lâu mình lấy đũa khuấy lên. Ưu điểm của nồi cơm điện là mình không phải đứng canh nhiều, có thể vừa nấu vừa làm việc khác. Đặc biệt, vào mùa hè nóng nực mà phải đứng kế bếp ga để quậy nồi chắc vã cả mồ hôi hột.
B3: Khi nước bốc hơi sắp hết, lúc này bạn phải tập trung canh vì sắp hoàn thành rồi, khuấy thường xuyên hơn để không bị khét đáy. Trong nồi sẽ tách thành hai phần là dầu và lớp váng.
B4: Hoàn thành
– Đến khi váng bên dưới chuyển thành màu vàng nâu thì là sắp được rồi. Bạn chờ cho nồi cơm điện nhảy thành “Keep warm” là dầu dừa đã ok rồi đó. Lúc này mình đừng vội rút dây điện ra, để dầu sôi thêm tí nữa.
B9: Cuối cùng mình múc ra và lọc qua một cái rây. Bước này mình phải làm liền khi dầu còn nóng.
Phần váng, bạn có thể dùng để nấu ăn.
Một số lưu ý
Khi nấu, nếu nồi cơm điện nhảy từ cook sang warm, mà lớp váng vẫn còn màu trắng chưa chuyển toàn bộ sang vàng nâu, bạn bấm cook thêm lần nữa. Tuy nhiên nếu bấm nhiều lần, dầu sẽ bị vàng, như vậy cần lưu ý:
- Nếu lượng dầu nấu không nhiều, không nên dùng nồi cơm điện có thể tích lớn (ví dụ lượng dừa nạo < nửa ký, không nên dùng nồi 1,8 lít). Phần giữa nồi sẽ bị khét nhưng vòng ngoài váng còn trắng.
- Nếu phần nước cốt dừa không đặc (do lượng nước đổ vào dừa nạo để vắt lấy nước quá nhiều hoặc là nước vắt lần 2) khả năng phải bấm Cook thêm là khá cao. Do đó sau khi nồi cơm nhảy, bạn không nên vội vàng bấm Cook, mà để cho nồi Warm một thời gian (để dầu sôi liu riu một lúc) rồi mới bấm tiếp.
Vì không canh chỉnh được lửa, bạn nên chọn loại nồi có công suất phù hợp. Mình đã test thử nồi cơm 600 W và 350 W, sau khi sử dụng, mình rút ra được một số kết luận như sau. Không nên dùng nồi công suất quá thấp, nồi 350W tuy nấu chậm, dầu trắng, nhưng lại không thể nấu cho phần váng chuyển sang màu vàng, phải bật cook nhiều lần, đến khi không bấm được nữa thì phải bắc lên bếp nấu . Do đó theo mình nghĩ nồi nên khoảng từ 400W trở lên đến tầm 600W. Nếu nồi có công suất lớn quá dầu nấu ra bị vàng.
Đối với phương pháp dùng nhiệt làm dầu dừa, tùy vào sự khéo léo và kinh nghiệm của người nấu nước dừa sẽ có màu từ trắng cho tới vàng nhạt.
Dầu dừa có lượng acid béo bão hòa cao (hơn 90%), khi chiên đi chiên lại nhiều lần cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe so với những loại dầu khác, vì thế lần đầu tiên bạn nấu dầu dừa ra bị vàng, bạn cũng đừng nên lo lắng quá.
B. Phương pháp không dùng nhiệt
B1: Cho nước cốt dừa vào một hũ thủy tinh hoặc hộp nhựa trong. Đậy nắp.
B2: Đặt nước dừa ở một nơi ấm trong nhà, để qua đêm. Theo bản thân mình nhiệt độ thích hợp là từ 27 độ trở lên. Với những nơi có khí hậu lạnh, bạn cần ủ nước dừa giống như ủ sữa chua, hoặc bỏ vào lò nướng và bật đèn.
Mình cho vào thùng giữ nhiệt và đặt thêm một ca nước nóng
B3: Tùy vào nhiệt độ từ 1-2 ngày sau, nước dừa sẽ tách thành ba lớp: lớp váng, lớp dầu, lớp nước. Dùng vợt vớt phần váng này đi, và lấy phần dầu dừa lọc qua một miếng vải sạch.
Dầu dừa sau khi lọc ra sẽ trắng nhưng đục. Dùng foodwrap bọc lại, nhưng vẫn chừa một lỗ nhỏ để các bụi nước li ti bốc hơi hết. Tùy vào nhiệt độ, từ ba ngày trở lên, dầu sẽ hết đục.
Còn hai ba cách làm dầu dừa theo kiểu ép lạnh, nhưng cách trên là đơn giản nhất. Hiện tại mình đang hoàn thiện thêm phần lọc lại dầu dừa và sẽ cập nhật thêm trong thời gian tới.
So với phương pháp dùng nhiệt, phương pháp này không tốn nhiều nguyên liệu nấu. Tuy nhiên với những nơi có khí hậu lạnh, khó áp dụng được, cần phải ủ ở một nơi ấm.
Mặc dù vẫn còn nhiều so sánh về chất lượng dầu dừa giữa hai phương pháp nhiệt và ép lạnh, tuy nhiên dầu dừa khi được làm theo phương pháp ép lạnh vẫn được đánh giá cao hơn về mùi vị, vì nó trải qua ít công đoạn xử lý hơn.
Đối với mình quan trọng nhất vẫn là chúng ta thường xuyên áp dụng dầu dừa vào cuộc sống hàng ngày để hưởng thụ các lợi ích mà nó mang lại.
Làm sao để dầu dừa được trắng và trong?
Trong hình mình cho các bạn xem 3 loại dầu dừa:
- Dầu dừa làm chuẩn, màu trong rất đẹp mắt
- Dầu dừa bị đục, vàng
- Dầu dừa bị đục
Với phương pháp dùng nhiệt:
- Trước hết vẫn là xử lý tốt ở phần lọc nước cốt dừa. Khi bỏ vào tủ lạnh, phần cặn dừa sẽ chìm xuống bên dưới một phần giúp cho dầu trong.
Như bạn thấy trong hình, sau khi bỏ vào tủ lạnh, nước cốt dừa sẽ tách thành hai lớp, nhưng nếu nhìn kỹ ở dưới đáy còn một lớp mỏng chứa cặn dừa.
- Không nên tiếc phần nước dừa bên dưới lớp váng, vì thực chất, mình đã thử cố gắng tận dụng phần nước bên dưới và nước vắt lần 2, tuy nhiên dầu dừa thu được không nhiều, đôi khi rất tệ chỉ bằng một muỗng cơm, mà lại tốn nhiều gas/điện nấu.
- Thay vào đó, bạn hãy cố gắng nhào trộn và vắt kỹ ngay trong lần đầu tiên để ra được nhiều dầu nhất. Nấu sẽ ít tốn công sức nhất, không sốt ruột mà vặn lửa to khiến dầu bị vàng.
- Tùy vào nơi trồng và những điều kiện khác mà mỗi trái dừa khô cho ra lượng dầu chênh lệch, nếu không thể chủ động về phần này, nên bạn có thể so sánh lượng dầu thành phẩm sau khi mua dừa nạo ở những hàng bán khác nhau và chọn nơi bán phù hợp.
Xử lý khi dầu dừa bị đục, có cặn
Một số nguyên nhân khiến dầu bị đục, có cặn
- Lúc lấy nước cốt dừa lọc không kỹ
- Khi nấu váng chưa chuyển hết toàn bộ sang màu vàng đậm.
- Dầu vẫn còn bụi nước li ti
Dầu dừa này để lâu sẽ không đảm bảo chất lượng.
- Không nên nấu lại thêm nữa, vì dầu sẽ không hết đục mà còn vàng thêm
- Lọc qua một mảnh vải sạch, lấy đi cặn dầu.
- Dùng foodwrap bọc lại và chừa một khoảng nhỏ để bụi nước bốc hơi, dầu sẽ bớt đục.
Bã dừa nạo còn lại, mình dùng để dưỡng da toàn thân. Bạn xem cách sử dụng ở đây.
2 comments
Làm theo cách 1 dầu thu được chất lượng hơn, bảo quản được lâu hơn.
Làm dầu dừa ép lạnh như vậy có an toàn để nấu ăn ko bạn? Vì phải để ở nhiệt độ phòng tới vài ngày, bình thường nước cốt dừa để vậy là lên mùi chua hư rồi ạ.